Sự số Y2K - Câu chuyện bây giờ mới kể

Sự số Y2K - Câu chuyện bây giờ mới kể

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng sự cố Y2K là một vụ “làm ăn” của các thế lực dính dáng đến CNTT nhằm tìm cách "moi" tiền của các Chính phủ.

Hơn 40 năm phát triển và trưởng thành, CNTT Việt Nam đã ghi lại hình bóng của rất nhiều gương mặt sôi nổi có, thầm lặng có, đóng góp vào sự phát triển chung. Chúng tôi không có tham vọng và cũng biết rằng mình không có đủ khả năng để ghi lại hết các câu chuyện về "Những bông hoa - những cuộc đời", chỉ xin góp phần công sức nhỏ bé của mình ghi lại những chuyện mình biết, mình hiểu trong các số báo vừa qua. Trong bài cuối của phần này mời bạn đọc cùng nghe GS Chu Hảo kể lại những kỹ niệm về cố GS Trần Lưu Chương, Trưởng ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K cùng ông và các cộng sự trong những ngày cùng chung tay ứng phó với sự cố này. 

GS-TS Chu Hảo  vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao từ năm 1999 sang năm 2000 . ông bảo khi đó với tư cách là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, ông được giao phụ trách chiến dịch khắc phục sự cố Y2K ở Việt Nam nên đến giờ người ta vẫn gọi ông là "ông Y2K". ông kể: 

Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng sự cố Y2K là một vụ làm ăn đầu cơ của các thế lực dính dáng đến CNTT nhằm tìm cách "moi" tiền của các Chính phủ. Tôi cho rằng không loại trừ ở một số nước, một số nơi lợi dụng hay thổi phồng sự cố này để tham nhũng, trục lợi. Ở nước ta cũng có thể có điều đó. Tuy nhiên, phải khẳng định Y2K là sự cố có thật. 

Những người trong cuộc thì hiểu rõ hơn về Y2K. Y2K là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "year two kilo", nghĩa là năm 2000. Sự cố Y2K (sự cố năm 2000) là sự cố kỹ thuật trong các bộ nhớ máy tính. Do bộ nhớ của máy tính hạn hẹp nên người ta đã viết tắt các năm. Ví dụ như năm 1940 thì chỉ viết là "40", năm 1978 thì chỉ viết "78". Nhưng khoảng năm 1997-1998, hãng Boeing phải lập kế hoạch cho những năm 2000 và họ đã vấp phải hai số "00". Khi họ nhập năm 2000, máy tính không hiểu được hai số "00" nên mọi dữ liệu có trùng số đó bị tính toán nhầm lẫn, gây rối loạn hết các dữ liệu. Toàn thế giới đã được Boeing báo động về nguy cơ này. Ngày 31/12/1998, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K ở Việt Nam chính thức có quyết định thành lập. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo đã xác định các công việc chính cần khẩn trương triển khai như: nâng cao nhận thức đúng đắn về sự cố Y2K; tổng hợp số liệu điều tra, đánh giá ảnh hưởng của sự cố Y2K ở các Bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương; xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố của các đơn vị và hoàn thiện kế hoạch quốc gia; triển khai kế hoạch khắc phục ở các đơn vị. Tôi còn nhớ khi đó, chúng tôi cũng đã xác định rõ việc khắc phục ảnh hưởng của sự cố Y2K cần được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; phải khắc phục sự cố cho các hệ thống chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước ngày 30/10/1999, còn đối với các hệ  thống khác có thể khắc phục dần; coi trọng việc xây dựng các kế hoạch dự phòng để ứng phó với những bất trắc có thể xảy ra; hết sức  tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và tham gia các hoạt động quốc tế, khu vực liên quan đến khắc phục sự cố Y2K. Đồng thời, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K cũng lập ra tổ thư ký có nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo do GS Trần Lưu Chương làm trưởng ban. Tổ thư ký chỉ khoảng 5-6 người nhưng làm việc hết sức hiệu quả. Họ đã khẩn trương triển khai các hoạt động phòng ngừa, đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố Y2K đối với các đơn vị, tổ chức ở Việt Nam. Bản thân cố GS Trần Lưu Chương là người chấp bút soạn thảo văn bản xin dự án quốc tế hỗ trợ công tác khắc phục sự cố Y2K ở Việt Nam và là người chủ trì thực hiện dự án này với các hoạt động như:  soạn tài liệu hướng dẫn, tham dự các hội thảo trong nước và quốc tế, đi xem xét các Bộ, ngành, cơ quan có hệ thống ứng dụng CNTT, nhất là những nơi có hệ thống quan trọng để cùng các đơn vị này triển khai rút kinh nghiệm, đề phòng sự cố. 

Để tuyên truyền khắc phục sự cố, Liên hợp quốc đã thành lập Trung tâm xử lý sự cố Y2K toàn cầu tại Washington (Mỹ). Các quốc gia có hệ thống máy tính đã nối mạng Internet đều có thể kết nối với trung tâm này để tiếp nhận những hướng dẫn cụ thể từ trung tâm cũng như nắm bắt được các thông tin liên quan. Cứ khoảng 2 tiếng đồng hồ, trung tâm xử lý sự cố Y2K toàn cầu lại đưa ra chỉ đạo, cho đến tận ngày cuối cùng của năm 1999. Đồng thời, khoảng 1 tiếng đồng hồ thì trung tâm lại cập nhật thông tin về xử lý sự cố Y2K ở các quốc gia cho tất cả mọi nơi biết. May thay Việt Nam đã kết nối mạng Internet toàn cầu vào tháng 12/1997. Nhờ vậy, chúng tôi đã tổ chức khắc phục sự cố Y2K ở Việt Nam với sự trợ giúp của thế giới. Bộ phận thư ký do GS Trần Lưu Chương phụ trách đã được sự chỉ đạo phải liên hệ với Trung tâm xử lý sự cố Y2K quốc tế để nhận thông tin từ họ về những diễn biến liên quan trên toàn cầu và tiếp nhận hướng dẫn cụ thể của họ. Nhờ có sự hướng dẫn của trung tâm Y2K quốc tế mà các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã xử lý suôn sẻ sự cố. 

Đêm 31/12/1999, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K cùng tổ thư ký đã trực suốt đêm tại văn phòng ban chỉ đạo ở 14 Lê Hồng Phong. Các thành viên đều hồi hộp theo dõi diễn biến trên màn hình kết nối. Khi khoảnh khắc chuyển giao giữa 2 năm trôi qua, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm và thực sự vui mừng vì ở Việt Nam đã không xảy ra sự cố nào lớn. Cũng có thể do mức độ sử dụng máy tính, CNTT ở Việt Nam khi đó chưa nhiều. Nhưng lúc bấy giờ, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp đề phòng và khắc phục thì ảnh hưởng của sự cố này cũng có thể làm cho một số hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng điểm như: điện lực, dầu khí, bưu điện, hàng không, hàng hải, đường sắt, tài chính, ngân hàng. Mặc dù sự cố Y2K đã trôi qua gần chục năm nhưng trong ký ức của nhiều người, đặc biệt là dân làm CNTT như chúng tôi thì thời kỳ Việt Nam tham gia xử lý sự cố vẫn rất đậm nét. Bởi lẽ trước Y2K, trên thế giới chưa có sự cố nào có được sự phối hợp toàn cầu trong việc triển khai xử lý. Riêng ở Việt Nam, mặc dù trước đó chúng ta chưa từng gặp phải những sự cố kỹ thuật cao như Y2K song lực lượng kỹ thuật của Việt Nam sau khi được hướng dẫn đã xử lý rất tốt. Cũng cần phải khẳng định rằng để xử lý một sự cố kỹ thuật cao như vậy, nếu trước đó chúng ta không có chương trình quốc gia về CNTT (1995-2000) thì chắc hẳn ta khó có thể xử lý nổi. 

Sau khi công tác khắc phục sự cố Y2K có tổng kết, các Bộ, các ngành đều đề nghị khen thưởng nhóm tham gia khắc phục sự cố. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Quốc gia CNTT, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K đã thống nhất chỉ đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động cho GS Trần Lưu Chương. Bộ KH &CN khi đó chính thức đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động cho anh Chương vì đã có đóng góp lớn cho việc xử lý sự cố Y2K Việt Nam. Nhưng cho đến giờ, đóng góp của cố GS Trần Lưu Chương vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy không vui khi nhớ đến thời kỳ tham gia xử lý sự cố Y2K.

 

(Sưu tầm)